Ông Hưng phân tích, Việt Nam hiện đã chính thức mở cửa thị trường bán lẻ. Động thái này chính là tiền đề cho việc các nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam, từ đó tác động mạnh mẽ đến phát triển bất động sản. Với tính thanh khoản cao, lợi nhuận lớn, việc mở cửa thị trường bán lẻ cũng sẽ là tiền đề cho chu kỳ 10 năm phát triển của bất động sản.
1. Cuộc chơi quyết liệt giữa các nhà đầu tư
Quỹ đất phát triển dự án chính là vấn đề quan trọng nhất với thị trường bất động sản. Trong khi đó, phân khúc căn hộ giá rẻ với sự phát triển nhanh, và nhu cầu lớn đang từng bước khiến quỹ đất thay đổi và tiêu tốn khá nhanh.
Đồng thời, sắp tới thị trường sẽ phát triển theo xu hướng nhà lẻ, nhà phố được thay thế bằng các khu đô thị mới, bởi các loại hình nhà ở này sẽ bộc lộ những hạn chế nhiều hơn trước. Phát triển nhà ở gắn liền với tất cả các nhu cầu của con người về sinh hoạt và làm việc, giáo dục trong cùng một khu vực là xu hướng tất yếu trong tương lai, do đó các tiểu đô thị gói gọn tất cả nhu cầu của người dân sẽ tăng cao.
Ông Hưng dự báo, trong vòng 2 - 3 năm tới, thị trường bất động sản sẽ toàn cầu hóa thực sự. Khi đó việc mua nhà ở nước ngoài của người dân Việt Nam sẽ trở nên dễ dàng hơn, ngược lại người nước ngoài cũng sẽ mua nhà nhiều hơn tại Việt Nam. "Việc xuất khẩu bất động sản sẽ diễn ra ngay tại chỗ, doanh nghiệp sẽ thu được ngoại tệ từ chính các khách hàng cá nhân nước ngoài chứ không phải qua hình thức đầu tư FDI nữa", ông Hưng khẳng định.
Từ những yếu tố trên, ông Hưng cho rằng, giai đoạn này thị trường bất động sản Việt Nam đã chính thức hội nhập quốc tế, chính thức mở cửa. Vì vậy, thời gian tới sẽ là cuộc chơi rất quyết liệt, sòng phẳng giữa các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế mạnh.
2. Chủ đầu tư gặp nhiều áp lực
Nếu trước đây, khi nhắc đến những dự án tỷ đô nghe có vẻ rất xa xôi nhưng hiện tại thị trường đang xuất hiện ngày càng nhiều những dự án như vậy. Dù đây là yếu tố giúp thị trường bất động sản Việt Nam khởi sắc nhưng cũng là áp lực với các chủ đầu tư trong nước. Vì vậy, họ cần nhanh chóng chấp nhận, nắm bắt xu hướng này, có những động thái tích cực nhằm đón lõng thị trường khi giai đoạn 2018 – 2020 đã gần kề.
Ông Hưng cho hay, tỷ lệ người Mỹ, Đức, Anh tìm kiếm thông tin về bất động sản Việt Nam hiện đang rất cao. Các nước trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong...đang gia tăng đầu tư vào bất động sản Việt Nam. Điều này khiến giá sản phẩm phân khúc trung và cao cấp biến động theo xu hướng tăng lên.
So với thu nhập của người dân trong nước, giá bất động sản Việt Nam đang bị đánh giá còn quá cao nhưng lại chỉ tương đương với mức tích lũy của người Hàn Quốc mỗi năm (khoảng 2 - 3 tỷ đồng). Tại Hàn Quốc, đây là khoản tiền mà hàng triệu người có thể tích lũy được trong một năm, trong khi lượng người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam có thể lên tới trăm nghìn người. Các doanh nghiệp bất động sản có thể đón làn sóng khách hàng này nên các chủ đầu tư phải tìm cách gia tăng lợi nhuận cao nhất trên cùng một quỹ đất.
Về nhu cầu nhà giá rẻ của người dân trong nước, ông Hưng đánh giá, dù rất cần nhà giá rẻ nhưng Việt Nam sẽ phải tìm giải pháp khác về nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê. Cụ thể, nên cho phép xây những căn nhà nhỏ hơn để phù hợp với túi tiền của người dân, đây chính là vấn đề về cơ chế. "Chúng ta mong muốn đất nước sẽ được quy hoạch phát triển hiện đại nhưng người dân có đủ tiền để trả cho những điều đó hay không, đó là câu chuyện khác", ông Hưng nhận xét.
Phó Chủ tịch HĐQT Cen Group bày tỏ: "Tôi mong rằng Việt Nam sẽ giàu lên, thu nhập người Việt cao lên để có thể mua được những sản phẩm cao cấp và cạnh tranh được với thị trường nước ngoài chứ không chỉ chạy theo các sản phẩm giá rẻ. Vì như vậy sẽ làm cho thị trường bất động sản nói riêng, bản thân người mua nói chung sẽ không phát triển được, làm cho đất nước mãi mãi là một đất nước nghèo."