Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels và bà Võ Kim Trang, Quản lý cấp cao, Bộ phận Tư Vấn cho biết, ngành du lịch nghỉ dưỡng đã có sự tăng trưởng mạnh trên toàn cầu, khi đạt mức tăng trưởng đáng kể 6,6% trong 8 tháng đầu năm 2017. Mức độ tăng trưởng dự kiến sẽ tiếp tục duy trì nhờ vào các hãng hàng không giá rẻ, sự cải thiện công nghệ trong ngành du lịch, chính sách miễn giảm thị thực, rào cản ngôn ngữ được giảm thiểu cũng như sự gia tăng nhu cầu du lịch trải nghiệm và khám phá các quốc gia, điểm đến mới.
Tỷ lệ du khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức 28,1% so với năm trước. Dự đoán mức tăng này sẽ tiếp tục duy trì nhờ vào tỷ lệ du lịch toàn cầu gia tăng cũng như vị trí gần với các nguồn thị trường đang tăng trưởng như Trung Quốc và Hàn Quốc. Thị trường Châu Á mới nổi dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng khách du lịch hằng năm là 7,6% trong suốt giai đoạn 2016-2021, giúp thúc đẩy thị trường trong nước. Việc mở ra các chuyến bay quốc tế trực tiếp mới và tạo cơ hội để du khách quốc tế đến du lịch dễ dàng hơn sẽ giúp Việt Nam có thể duy trì tính cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.
Cũng theo số liệu từ Savills, hoạt động khách sạn và resort đã đạt được kết quả kinh doanh tốt trong năm nay, đặc biệt là tại Hà Nội và Tp.HCM, với mức tăng trưởng công suất ấn tượng trung bình lần lượt là 81% và 73%. Tương tự, Đà Nẵng và Nha Trang cũng chứng kiến mức tăng trưởng mạnh về số lượng khách du lịch, giúp cải thiện công suất phòng so với năm trước, trong đó nhiều dự án vừa được khai trương trong năm nay nhưng vẫn có sự tăng nhẹ ở mức giá phòng trung bình.
“2017 là một năm thuận lợi đối với các khách sạn tại hai thành phố chính Hà Nội và Tp.HCM. Sự kết hợp giữa nhu cầu tăng cao từ các đối tượng du khách nghỉ dưỡng, công tác và sự thiếu hụt nguồn cung, đã giúp các khách sạn tại hai thành phố này đạt được mức công suất và kết quả kinh doanh tốt hơn so với mục tiêu được đặt ra đầu năm. Do số lượng nguồn cung mới sẽ gia nhập trong những năm tới tại Hà Nội và Tp.HCM không nhiều, các chủ đầu tư có thể cân nhắc việc phát triển khách sạn nhờ vào tiềm năng lợi nhuận cũng như đa dạng hóa danh mục đầu tư bất động sản”, Ông Mauro Gasparotti nhận định.
Bên cạnh đó, ông Mauro Gasparotti cũng cảnh báo rằng phần lớn nguồn cung mới đều tập trung phát triển tại các điểm đến ven biển và số lượng căn hộ khách sạn hiện đang cao hơn số lượng phòng khách sạn resort, điều này rất dễ mang đến rủi ro trong việc cạnh tranh giá phòng, đặc biệt trong trường hợp nguồn cầu giảm. Một số chủ đầu tư chưa cẩn trọng trong quá trình hoạch định và xác định định vị cho dự án, chỉ đơn thuần tập trung phát triển các tòa nhà cao tầng nhằm gia tăng số lượng phòng mà thiếu sự cân nhắc làm cách nào để có thể tăng giá trị cho khu vực dự án của mình. Để có thể phát triển lâu dài và có sự tăng trưởng bền vững, ngành nghỉ dưỡng Việt Nam cần được hoạch định phát triển toàn diện và đồng bộ.
Từ kinh nghiệm làm việc với các đối tác quốc tế, Savills Hotels cũng đánh giá, thị trường Việt Nam hiện vẫn thiếu sự đa dạng của các sản phẩm so với các điểm đến khác như Thái Lan và Bali. Resort wellness, Resort spa, Khu dân cư hưu trí, Poshtel và khu vực chia sẻ không gian làm việc (co-working hub), Resort chú trọng thiết kế mang phong cách nghệ thuật, Khách sạn công nghệ cao, Khách sạn dịch vụ chọn lọc... là những ví dụ điển hình về các mô hình đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu nhưng vẫn chưa xuất hiện nhiều tại thị trường nội địa.
Ông Morris Sim, Giám đốc Marketing của Next Story Group nhận định, nền kinh tế chia sẻ và các phương tiện truyền thông kỹ thuật số cũng có sức tác động đáng kể đối với thị trường khách sạn. Các khách sạn phải thay đổi và cải cách để duy trì tính cạnh tranh của mình. Còn theo bà Võ Kim Trang, các chủ đầu tư hiện nay cần một tầm nhìn dài hạn hơn khi hoạch định phát triển một sản phẩm mới. Cần biết được xu hướng hiện nay trên thế giới cũng như những thay đổi trong nhu cầu của du khách sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của các sản phẩm nghỉ dưỡng trong trung và dài hạn thay vì chỉ tập trung tối đa dạng hóa doanh thu ngắn hạn.
Phương Uyên